
Vẻ đẹp siêu phàm
(trích Beauty – A very short introduction, Roger Scruton)
Trên: Botticelli, The Birth of Venus
Từ quan điểm cơ thể học, tác phẩm của Botticelli là một hình thể méo mó, được ráp với nhau không thông qua một cấu trúc giải phẫu mà cơ thể chỉ là một phần phụ vô dụng gắn vào khuôn mặt. Ánh mắt đầu đăm chiêu, không phải nhìn vào người xem mà nhìn qua người xem – nhưng lại là một gương mặt được mơ tưởng, được khao khát, khó quên, gương mặt của phụ nữ được lý tưởng hóa – do vậy không phải gương mặt của bất kỳ con người nào, nhưng dù sao thì vẫn là một gương mặt, vừa cá thể vừa huyền bí. Chúng ta không nên nghĩ nàng Venus của Botticelli mang hình ảnh gợi dục: đây là nàng Venus của thời đầu Phục Hưng, thuộc về thiên đường, ngoài tầm với của con người phàm tục. Đó là lý do tại sao bức tranh gây ám ảnh đến thế: người phụ nữ này được gọi lên từ sự ham muốn, nhưng như chúng ta biết, lại nằm ngoài tầm với của ham muốn….nàng là thị hiện của cái đẹp phi phàm, một thứ được ban tặng từ cảnh giới khác cao hơn, một lời kêu gọi đi tới sự siêu việt.
Dưới: Titian, Venus of Urbino
Hình ảnh nàng Venus nằm đã đánh dấu sự cắt đứt với nghệ thuật cổ đại, thời mà vị nữ thần không bao giờ được trình bày ở tư thế nằm… tư thế khỏa than nằm trình bày cơ thể không phải là hình ảnh để tôn sùng mà như đối tượng của ham muốn. Thậm chí trong bức họa này, người phụ nữ cũng thu hút cái nhìn của chúng ta về phía gương mặt cô, gương mặt cho chúng ta biết rằng cơ thể này chỉ được hiến dâng theo cách người phụ nữ hiến dâng cho người tình. Còn với những người không thấy được ánh mắt hiến dâng ấy, cơ thể này không phải để trao đổi mà nó thuộc sở hữu của cái nhìn phát ra từ nó: nó không phải là một cơ thể, mà là một hiện thân. Gương mặt ấy cá thể hóa cơ thể, sở hữu nó dưới danh nghĩa của tự do, và quy kết mọi ý nghĩ ham muốn như một sự xâm phạm. Người phụ nữ khỏa than của Titian không khêu gợi hay thôi thúc, nhưng giữ lại cho chúng ta một vẻ thanh thản – sự thanh thản của một người mà những ý nghĩ hay ham muốn không phải của chúng ta, mà là của cô.
… Anne Hollander (sử gia nghệ thuật Mỹ) đã phân tích mức độ cho thấy hình tượng khỏa than trong truyền thống tạo hình phương Tây không phải là một cơ thể trần truồng mà chỉ là không mặc quần áo: nó là một cơ thể được đánh dấu bởi những hình dạng và chất liệu của sự che phủ thông thường. Ở tác phẩm của Titian, cơ thể thư giãn như nó sẽ thế nếu được che phủ khỏi cái nhìn của chúng ta bởi một lớp quần áo: nó là một cơ thể bên dưới lớp quần áo vô hình. Chúng ta nhìn nhận mối quan hệ của nó với gương mặt hoặc nhân cách giống như của một người phụ nữ ăn mặc đầy đủ. Và bằng cách vẽ cơ thể như vậy, Titian khắc phục tính chất kỳ lạ của nó – bản chất của một thứ trái cấm… âm thầm khẳng định sự sở hữu và đưa nó khỏi tầm với của chúng ta. Đây là nghệ thuật dục tính (erotic) nhưng không hề là nghệ thuật dâm đãng (concupiscent): nàng Venus không phải đang được phô bày như một đối tượng khả dĩ cho ham muốn. Nàng được giữ lại bên ngoài ham muốn, được hòa hợp vào nhân cách đang lặng lẽ nhìn với cặp mắt ấy, đang bận rộn với những suy nghĩ và ham muốn của chính mình.

Xin chào, Tôi là Kts. Đăng Quang. Sinh ra và lớn lên tại Thành phố Huế. Tốt nghiệp trường ĐH Kiến Trúc thành phố Hồ Chí Minh. Với đam mê và yêu thích kiến trúc nên muốn chia sẻ thật nhiều kiến thức, thông tin về thiết kế cũng như những mẫu nhà đẹp, xu hướng thiết kế mới đến mọi người. Hy vọng của tôi là muốn đem cái đẹp tới gần với đại đa số.