1. Vấn đề:
Theo số liệu của Trung tâm Bảo Tồn Di tích Cố Đô Huế, tổng lượt khách đến tham quan di tích trong tháng 1 và 2/2023 là 315.000 lượt, trong đó khách Quốc tế chiếm 158.000 lượt và khách trong nước chiếm 157.000 lượt, doanh thu đạt 50 tỷ đồng. Đây là tín hiệu tốt cho du lịch tỉnh nhà, đồng thời cũng là thách thức với những người làm du lịch. Bài toán điều tiết giao thông để mang đến những trải nghiệm thoải mái cho du khách khi đến Huế liên tục được đưa ra qua các diễn đàn trao đổi. Theo đó, UBND TP.Huế (TP.Huế) tiếp tục đầu tư các dự án để nâng cấp, chỉnh trang cơ sở hạ tầng nhằm kích cầu, phát triển du lịch. Đặc biệt phục vụ đủ nhu cầu của du khách thời gian du lịch cao điểm (Festival Huế và Festival Làng nghề). Một trong những trục giao thông quan trọng trong Đại Nội – Kinh thành Huế: đoạn đường nối từ Lê Duẩn (Bến xe Nguyễn Hoàng) vào cầu Cửa Ngăn là đoạn đường lưu thông thường xuyên của người sống trong nội thành. Không chỉ xe máy mà cả xe khách, taxi, xích lô cũng được phép đi vào đón trả khách khiến việc lưu thông qua tuyến đường hay xảy ra tình trạng trạng ách tắc giao thông, gây nguy hiểm cho du khách. Chính vì vậy, một giải pháp phù hợp là yêu cầu bức thiết, để góp phần giải bài toán giao thông, đảm bảo an toàn cho du khách khi bước vào tham quan Thượng Thành và Đại Nội Huế. Giải pháp mới góp phần tạo nên không gian trải nghiệm văn hoá, vừa là một kiến trúc phù hợp với tổng thể chung của Di sản, đảm bảo tuân thủ Luật Di sản Văn hoá.
Với lượng phương tiện giao thông, du khách đến Huế tham quan, du lịch ngày càng tăng như hiện nay trong khi hạ tầng giao thông đô thị chưa đáp ứng, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, gây mất an toàn, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế và hoạt động du lịch, đặc biệt đối với khu vực Đại Nội và vùng phụ cận.
Đặc biệt, vấn đề tắc nghẽn xảy ra trầm trọng tại khu vực từ bến xe Nguyễn Hoàng, qua cửa Ngăn, vào nội thành, với lưu lượng di chuyển qua lớn trong các giờ cao điểm, cửa Ngăn dường như quá tải. Vì vậy, các giải pháp chia sẻ cần được tính tới, phân luồng lưu thông tới các cửa còn lại hay chia giờ lưu thông, song vì sự thuận tiện và nhanh chóng tiếp cận Nội thành, việc tăng điểm tuyến kết nối vào thành là cần thiết trong sự phát triển đô thị ngày nay.
2. Yêu cầu thiết kế và tiêu chí thiết kế:
Trong tất cả các tiêu chí đặt ra, đối với tuyến kết nối mới vào một di sản vật thể, giải pháp cần ưu tiên ba yếu tố cốt lõi:
o Tôn trọng cảnh quan chung, phù hợp với không gian Di sản, hạn chế tranh chấp, và tác động tối thiểu nhất đến công trình hiện có. o Điểm tuyến kết nối mới phải thuận lợi và dễ dàng tiếp cận, tạo thành một nhu cầu thực và giảm tải cho các cửa ra vào Thành hiện có. o Các giải pháp đưa ra có tính khả thi và thực hiện trong thực tế của thành phố, quốc gia.
3. Ý tưởng đề xuất:
a. Giá trị văn hóa, lịch sử, kinh tế:
Quá khứ: Tường thành mang tính chất tách biệt, cô lập trong ngoài, bảo vệ chế độ phong kiến quân chủ.
Hiện tại: Tường thành mở cửa hoàn toàn, là một di sản văn hóa thế giới, song các cửa ra vào thành quá tải, thường xuyên xảy ra tắc nghẽn tại cửa Ngăn, gây mất an toàn cho người đi bộ, du lịch và ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế, du lịch khu vực Đại Nội và vùng phụ cận
Tương lai: Tăng cường tuyến điểm kết nối trong ngoài thành, tạo ra các lối tiếp cận Kinh Thành an toàn, hiệu quả, tăng lượng lưu thông và thúc đẩy phát triển du lịch cho khu vực.
b. Vị trí đề xuất:
Tại khu vực Eo bầu Nam Xương: theo hình dạng mũi tên của thành Vauban, vị trí mũi tên là vị trí tấn công, vị trí khó tiếp cận nhất, nên phương án đề xuất tuyến kết nối ở cạnh bên của hình thái mũi tên, điểm vào thành là các lỗ châu mai hiện tại.
Vị trí này đáp ứng được các tiêu chí sau:
o Tránh điểm nhọn của hình thái thành Vauban, không tranh chấp với mặt đứng trực diện của eo bầu
o Tiếp xúc cạnh bên của hình thái eo bầu, giúp tiến trình thay đổi độ cao từ ngoài vào trong thành được diễn ra chậm và không đột ngột, không tạo ra hình thái kiến trúc đột biến và tôn trong cảnh quan chung.
o Điểm vào Thượng thành: các vị trí lỗ châu mai cũ: tận dụng các lỗ châu mai cũ là phuương án tác động tối thiểu, tuyến kết nối hoàn toàn không tranh chấp cảnh quan với Kinh thành nếu đi tham quan dọc Thượng thành. Mặt bằng
c. Ý tưởng hình dáng cấu trúc tuyến kết nối: Đồi cỏ làm thang – Hào sông làm cầu
Cầu nối hai bờ Hộ thành hào: Kết cấu, hình dáng đơn giản, với hình thức lan can là những đường thẳng song song với mặt nước, và đường nét từ đậm đến thưa dần, tạo hiệu ứng ảo giác làm mờ (blur), khiến cầu chìm vào mặt nước, làn sóng lăn tăn của hộ thành hào.
Đồi thang bộ:
o Hình thức thang bộ tiếp cận Thượng thành là đồi đất dốc theo cạnh của Eo Bầu, có thể mường tượng như dải cỏ ven thành trải dài và vươn lên tạo thành lối đi.
o Trên đỉnh đồi thang này, du khách có thể vào thượng thành bằng các lỗ châu mai, một cách tự nhiên, và khi đứng trong thành, hoàn toàn không có một kết cấu nào vượt trội tranh chấp với Di sản
4. Thiết kế 3d:

CUỘC THI Ý TƯỞNG THIẾT KẾ CẦU ĐI BỘ VƯỢT QUA HỘ THÀNH HÀO NỐI THƯỢNG THÀNH