
Tương lai của hành nghề kiến trúc
TƯƠNG LAI CỦA HÀNH NGHỀ KIẾN TRÚC
(tầm nhìn đến khoảng 2030) – Tăng Quang dịch
Trong khoảng 15 năm qua, thiết kế kiến trúc đã bùng nổ mạnh mẽ với sự xuất hiện của rất nhiều công trình mang tính chất biểu tượng, tái khẳng định nhận diện đô thị của hầu hết các quốc gia phát triển và nền kinh tế mới nổi. Các công ty kiến trúc ở nhiều quy mô và lĩnh vực khác nhau đã thiết lập rất nhiều những mô hình kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên, do ảnh hưởng sâu sắc từ nền kinh tế toàn cầu hoá và sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, các giá trị văn hoá sẽ ngày càng trở nên phức tạp hơn và tác động mạnh mẽ đến ngành công nghiệp kiến trúc. Sự chuyển mình này sẽ mang đến cả cơ hội và thách thức cho giới kiến trúc, tổ chức RIBA (Royal Institute of British Architects) đã công bố một báo cáo mang tên “The Future of Architects” (tạm dịch tương lai hành nghề kiến trúc), dự đoán: “mạo hiểm và rủi ro sẽ định hình ngành công nghiệp kiến trúc trong 15 năm tới” (“Risk will shape the industry in the next 15 years”). Theo đó, nhìn chung các công ty kiến trúc sẽ được phân cấp theo 3 nhóm: công ty duy trì được sự ổn định, công ty có nhiều cơ hội phát triển và công ty phải đối mặt với nhiều thách thức.
Những studio nhỏ mang tính địa phương, những công ty lớn nổi tiếng toàn cầu, những văn phòng chuyên tập trung vào thị trường ngách và kiến trúc truyền thống bản địa sẽ đảm bảo được sự an toàn và ổn định. Những văn phòng tư vấn quốc tế, các công ty ở thị trường mới nổi, các công ty BOOT (bao gồm trọn gói thiết kế, xây dựng, sở hữu, vận hành, và chuyển giao), nhà cung ứng chuyên biệt sẽ nằm trên đà thành công. Trong khi đó, những công ty với quy mô trung bình chỉ chuyên về thiết kế và các văn phòng nhỏ ở các đô thị lớn sẽ đối mặt với rất nhiều áp lực.
Sức ép từ gia tăng dân số và sự tăng trưởng đô thị đang đặt ra yêu cầu nhiều hơn cho việc thiết kế và xây dựng công trình: hiệu quả, khoa học, đáp ứng sự đổi mới về kỹ thuật, năng lượng, và thời gian. Do đó, kiến trúc sư không thể giới hạn bản thân trong những quan niệm truyền thống về nghề. Trong tương lai chúng ta sẽ thấy ngày càng nhiều hơn những nhà thiết kế làm việc trong phạm trù rộng bao quát nhiều lĩnh vực, sở hữu tư duy sáng tạo toàn cầu cùng với chiến lược kinh doanh nhạy bén, giữ những vị trí senior trong ngành xây dựng.
Phương thức làm nghề kiến trúc cũng sẽ được mở rộng hơn. Kiến trúc có thể sẽ gắn kết nhiều hơn đến các lĩnh vực như thiết kế sân khấu, nghệ thuật quần chúng, không gian thiết kế công cộng…
Trong tương lai, kiến trúc sư sẽ phải làm việc và hợp tác trong một mạng lưới rất rộng giữa các nhà tư vấn bộ môn và các văn phòng thiết kế khác nhau. Quá trình thiết kế sáng tạo sẽ không còn gói gọn trong phạm vi văn phòng làm việc, giống như cách mà nhiều công ty như Apple đã thực hiện. Philip Tidd – quản lý văn phòng kiến trúc Gensler cho rằng “không nhất thiết phải giới hạn nhân viên trong không gian văn phòng công ty để tạo ra được những hiệu quả sáng tạo cao”. Kiến trúc sư nên được làm việc trong những môi trường linh động và tự do hơn.
Khi mô thức hợp tác giữa các nhánh khác nhau trong cùng một công ty được định hình, cách làm việc truyền thống sẽ được chia thành nhiều phân khúc nhỏ hơn nhằm giúp kiến trúc sư có thể thu phí thiết kế cho từng hạng mục khác nhau thay vì một khoản lớn cho toàn bộ quá trình. Sẽ có nhiều công ty con được tạo ra chỉ tập trung vào các dịch vụ thiết kế (pre-design services), thường vốn được cho là trách nhiệm hiển nhiên phải làm của kiến trúc sư, bao gồm phân tích, tư duy chiến lược, công tác chuẩn bị cho quá trình thiết kế. Những đơn vị tư vấn khác có thể tạo ra các công ty vệ tinh chuyên sâu trong 1 lĩnh vực cụ thể chẳng hạn như đô thị hoá công nghiệp (industrial urbanism). Khách hàng sẽ được tối ưu hoá lợi ích của mình với những kế hoạch đề xuất cụ thể về thời gian và ngân sách.
Song song đó, sự toàn cầu hoá đặt ra yêu cầu cho kiến trúc sư nâng cao kỹ năng về tài chính, kinh tế để theo kịp với sự phát triển nhanh chóng và phức tạp của bối cảnh kinh tế thế giới. Vậy nên, kiến thức về kinh tế sẽ là giá trị cốt lõi để công ty cũng như người hành nghề kiến trúc đối mặt với những rủi ro tài chính trong tương lai. Thuần tuý tập trung vào thiết kế sẽ không thể thoả mãn được yêu cầu ngày càng gia tăng của khách hàng. Bởi vì khách hàng sẽ đánh giá cao những công ty có tầm nhìn vượt ra khỏi khuôn khổ của tư duy chỉ quan tâm tâm đến việc xây dựng một công trình đơn thuần.
Ở một khía cạnh khác không kém phần quan trọng, hệ thống IT sẽ là một trong những nền tảng chiến lược để công ty phát triển. Sự phổ biến của BIM cùng với mạng lưới hợp tác chung giữa các công ty thiết kế và nhà tư vấn sẽ đặt ra yêu cầu rất cao về tính đồng bộ hoá, bảo mật và sự thuận tiện để cung cấp những gói dịch vụ hoàn thiện, hiệu quả cho khách hàng. Những công nghệ kỹ thuật mới liên tục được tạo ra khiến ngành công nghiệp này phát triển rất nhanh, đồng thời các công ty kiến trúc phải liên tục làm mới và cập nhật nền tảng IT của mình để không bị bỏ lại phía sau. Điều này sẽ không chỉ còn là một lựa chọn, mà là một chiến lược sinh tồn của các công ty. Khi mà mạng lưới kết nối giữa các đơn vị thiết kế xây dựng ngày càng mạnh mẽ thông qua các phần mềm quản lý online, việc một công ty không theo kịp mức độ đồng bộ hoá chung của hệ thống làm việc, sẽ khiến nó bị tuột ra khỏi mắc xích, rơi lại phía sau và dễ bị đào thải.
Do đó, chúng ta có thể hình dung được tại sao một vài mô hình kinh doanh kiến trúc có thể giữ vững sự ổn định, tăng trưởng, hoặc thoái trào trong những năm sắp tới. Một cách bao quát, để theo kịp và thích nghi với tương lai hành nghề kiến trúc, các công ty cần mở rộng mạng lưới quan hệ, phát triển nền tảng IT, am hiểu về tài chính kinh tế, sự phối hợp đa ngành, cũng như gắn kết yếu tố văn hoá và giáo dục trong hành nghề của mình.
Nguồn tham khảo:
1. Arch20 (2019) What is the future of Architecture Practice ? – Arch2O.com. Available at: https://www.arch2o.com/the-future-of-architecture-practice/.
2. Donnelly Brandon (no date) Changing Times: The Future of the Architecture Profession Is Not What You Think – Architizer Journal. Available at: https://architizer.com/…/the-future-of-the-architecture-pr…/.
3. Josal Lance (2018) The Future of the Architecture Practice – DesignIntelligence. Available at: https://www.di.net/articles/future-architecture-practice-2/.
4. Minner Kelly (2011) What will the architecture profession look like in 2025? | ArchDaily. Available at: https://www.archdaily.com/…/what-will-the-architecture-pro…/.
Xem thêm: kiến trúc cảnh quan là gì?

Xin chào, Tôi là Kts. Đăng Quang. Sinh ra và lớn lên tại Thành phố Huế. Tốt nghiệp trường ĐH Kiến Trúc thành phố Hồ Chí Minh. Với đam mê và yêu thích kiến trúc nên muốn chia sẻ thật nhiều kiến thức, thông tin về thiết kế cũng như những mẫu nhà đẹp, xu hướng thiết kế mới đến mọi người. Hy vọng của tôi là muốn đem cái đẹp tới gần với đại đa số.