
Quần thể di tích cố đô Huế – di sản văn hoá Thế Giới
Huế đẹp, không bởi vì sự hiện đại của những tòa nhà chọc trời, mà nét cổ kính, uy nghiêm của quần thể di tích cố đô Huế mới tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn biết bao du khách tứ phương. Dù đã tàn phai ít nhiều theo năm tháng lịch sử và chiến tranh, nhưng những di tích của quần thể vẫn giữ vẹn toàn lối kiến trúc xa xưa. Bài viết hôm nay sẽ cho bạn cái nhìn sâu hơn về phong cách kiến trúc của quần thể di tích tại cố đô Huế.
1. Tổng quan kiến trúc của quần thể di tích cố đô Huế
Quần thể di tích Cố đô Huế, còn được gọi là Quần thể kiến trúc cố đô Huế được triều Nguyễn chủ trương xây dựng từ đầu thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 tại Huế – kinh đô xưa, bao gồm những di tích lịch sử – văn hóa. Ngay nay thuộc về thành phố Huế và một vài vùng lân cận của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Quần thể di tích Cố đô Huế phân chia thành hai cụm công trình: ngoài kinh thành và trong kinh thành Huế.
Quần thể di tích cố đô Huế là nơi kiến trúc truyền thống Việt, tư tưởng triết lý phương Đông kết hợp độc đáo với kiến trúc quân sự phương Tây, cụ thể là nước Pháp.
Các cụm công trình kiến trúc này đều được thiết kế gắn liền với yếu tố phong thủy và ngũ hành:
– Yếu tố phong thuỷ: xây dựng kinh thành Huế kết hợp chặt chẽ cùng những quy tắc của Phong Thuỷ được các thầy phong thuỷ nghiên cứu kỹ lưỡng. Theo đó lấy Núi Ngự Bình có chiều cao 100m làm tiền án, Núi Kim Phụng làm Hậu Trẩm, Cồn Hến làm Tả Thanh Long, còn Cồn Dã Viên là Hữu Bạch Hổ, cuối cùng Minh đường thủy tụ chính là khúc sông Hương.
– Yếu tố Ngũ hành: bên cạnh yếu tố phong thủy, ngũ hành cũng được thể hiện qua các cụm di tích. Lấy ví dụ điển hình là bố cục mặt bằng của kiến trúc cung đình Huế. Bố cụ này tương ứng với ngũ phương. Ngôn ngữ của kiến trúc những di tích trong quần thể là hài hòa với thiên nhiên. Điều này thể hiện qua Điện Thái Hòa là trung tâm của Kinh thành, chung quanh là Huyền Vũ (Bắc), Chu Tước (Nam), Thanh Long (Ðông), Bạch Hổ (Tây).
Huế còn là vùng sông nước, nên hình ảnh chiếc thuyền ăn sâu vào tâm thức của mỗi người dân xứ Huế. Điều này thể hiện rõ nét qua nhiều mái nhà có hình dạng cong vút lên tựa như chiếc thuyền. Kiến trúc của những di tích quần thể hầu hết có mái cong cầu kì, độ cong lớn, khiến công trình không hề thô cứng, mà toát lên dáng vẻ thanh thoát, gợi cảm.
Ngoài ra, Huế có trải qua nhiều tháng “mưa dầm dề”, nên yếu tố mái còn phải giúp thoát nước nhanh, tránh dột, tránh hư mục phần mái. Do đó, mái của công trình có độ dốc lớn, được tính toán kỹ lưỡng.
Kiến trúc mang đậm tính cung đình, quý tộc, thể hiện rõ tư tưởng độc tôn chuyên quyền của các vua chúa triều Nguyễn.Kiến trúc xây luôn tuân theo nguyên tắc “chính ở giữa, phụ hai bên” nên cổng chính luôn là cổng dành cho vua đi, cung điện có màu vàng là chủ yếu. Bởi vì vào thời xưa, người ta quan niệm rằng màu vàng chỉ dành cho Thiên Tử, của trung tâm đất trời.
Phong cách kiến trúc của di tích phải gắn với sự nguy nga, hoành tráng, bởi nên các trụ cột trong cung cũng được sơn son thếp vàng.
Tất cả các công trình tạo thành một tổng thế khá hòa hợp, nhưng nhìn chung, kiến trúc quần thể không to lớn choáng ngợp, khô khan như kiến trúc của một số kinh đô khác. Ngược lại đây là một hình thái kiến trúc tinh tế, các công trình kiến trúc gắn bó với cảnh quan sông núi hữu tình, chứa đựng những đường nét trang trí chạm khắc tinh xảo. Trong kiến trúc cố đô Huế, nghệ thuật tạo hình không gian đã đạt đến tính hòa điệu, gây được ấn tượng thẩm mỹ cao. Từng góc cạnh của vẻ đẹp kiến trúc và thiên thiên phô bày khéo léo nẻt tinh tế, tài hoa của người xưa
Trải qua thời gian lịch sử đầy biến động, Huế vẫn bảo tồn được diện mạo của một kinh đô xưa. Những di tích trong quần thể vẫn mang tính nghệ thuật tuyệt mỹ, vừa có giá trị của lịch sử và văn hóa, vừa phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc Huế…
2. Giá trị nổi bật của quần thể di tích
Năm 1993, Quần thể di tích Cố đô Huế được ghi tên vào danh mục Di sản thế giới. Theo đánh giá của UNESCO, quần thể di tích Cố đô Huế quy tụ đầy đủ các yếu tố:
– Tiêu biểu cho những thành tựu nghệ thuật độc đáo, kiệt tác kiến trúc do bàn tay tài hoa con người gây dựng.
– Quần thể kiến trúc có giá trị to lớn về mặt kỹ thuật xây dựng, mang tính nghệ thuật trong một kế hoạch phát triển đô thị hay một chương trình làm đẹp cảnh quan tại một khu vực văn hoá của thế giới.
– Một quần thể kiến trúc gắn với thời kỳ lịch sử quan trọng.
– Kết hợp chặt chẽ với các sự kiện trọng đại. Những di tích có ảnh hưởng lớn về tư tưởng hay tín ngưỡng hay tiêu biểu cho các danh nhân lịch sử.
Tổng kết lại, quần thể di tích cố đô Huế không chỉ mang kiến trúc ấn tượng, mà ẩn sâu bên trong là dấu vết lịch sử còn đọng lại. Dẫu đi hằng trăm hằng nghìn lần, thì những di tích cổ kính nơi đây vẫn khiến biết bao người phải thốn thức.