
1/40 phương pháp sáng tạo Triz – NGUYÊN TẮC PHẦN NHỎ
1 NGUYÊN TẮC PHẦN NHỎ
NỘI DUNG :
a) Chia đối tượng thành các phần độc lập
b) Làm đối tượng trở nên thảo lắp được
c) Tăng mức độ phân nhỏ của đối tượng
NHẬN XÉT:
1- Từ “đối tượng” trong quyển sách này cần hiểu theo nghĩa rộng. Đó có thể là bất kỳ cái gì có khả năng phân nhỏ được, không nhất thiết phải là đối tượng kỹ thuật. Tương tự như vậy đối với các thủ thuật khác, có từ “đối tượng”
2 – Thủ thuật này thường dùng trong những trường hợp khó làm “trọn gói”, “nguyên khối”, “một lần”. Nói cách khác, phân nhỏ ra cho vừa sức, cho dễ thực hiện, cho phù hợp nơi những phương tiện hiện có…
3 – Phân nhỏ đặc biệt hay dùng trong những trường hợp cần có diện tích bề mặt tiếp xúc lớn như trong các phần ứng hóa học, tạo sự chảy, nổ, trao đổi nhiệt
4 – Tháo lắp làm đối tượng trở nên gọn, thuận tiện cho việc chuyên chở, xếp đặt và mở ra khả năng thay thể từng bộ phận đối tượng, kể cả việc mở rộng chức năng của từng bộ phận đó.
5 – Cần tưởng tượng : nhờ phần nhỏ mà đối tượng ban đầu ở thể rắn, chuyển dần sang dẻo, lỏng, khi plasma … nói chung, có thể phần nhỏ đến vi mô.
6 – Sự thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất, cho nên, phân nhỏ có thể làm đối tượng có thêm những tính chất mới, thậm chí, ngược với những tính chất đã có
7 – Nguyên tắc phân nhỏ hay dùng với các nguyên tắc 2 Tách khỏi, 3. Phẩm chất cục bộ, 5, Kết hợp, 6. Vạn năng, 15 Linh động…
CÁC THÍ DỤ :
1 – Dây kim loại một sợi phân nhỏ thành dây kim loại nhiều sợi.
2 – Thước mét phân nhỏ thành thước gập, phân nhỏ nữa thành thước dây mềm, gọn.
3 – Để lên cao được, cần có thang gồm nhiều bước nhỏ.
4 – Báo khổ rộng in thành những cột nhỏ cho dễ dọc.
5 – Ngũ cốc nghiền thành bột, từ đó làm bún, miến, mì, bánh các loại. Tương tự, trong kỹ thuật có ngành luyện kim bột, đúc nhựa từ các hạt nhỏ.
6 – Trong toán học, thay vì nghiên cứu các hàm số phức tạp người ta phân tích thành các dãy, chuỗi.
7 – Cho đến thời gian gần đây, kính thiên văn quang học, có gương phản xạ lớn nhất, đường kính 6 mét, đặt tại Bắc Capcadơ (Liên Xô). Các nhà chuyên môn cho rằng, nền kỹ thuật hiện đại đã tiến đến những giới hạn và không thể chế tạo kính thiên văn có gương phản xạ lớn hơn. Người ta đã gặp nhiều khó khăn to lớn trong việc sản xuất, mài và xây dựng bệ đỡ đối với những gương lớn. Ví dụ, chỉ riêng quá trình làm nguội khối thủy tinh đã kéo dài hơn một năm để bảo đảm tính đồng nhất, còn việc mài gương phải thực hiện trong vài năm. Tuy vậy, các nhà bác học đòi hỏi phải có những kính thiên văn với độ phân giải cao hơn nữa, nói cách khác, cần tăng đường kính của gương. Các nhà thiên văn nói rằng, nếu có gương đường kính 10 mét, họ sẽ nhìn thấy rõ lửa của ngọn nến trên mặt trăng.
Các chuyên gia thuộc Viện công nghệ và Đại học tổng hợp California (Mỹ) quyết định chế tạo kính thiên văn đó. Hiểu rằng, khó có thể làm gương lớn một cách “nguyên khối”, họ chế tạo gương từ 36 mảnh, mỗi mảnh có đường chéo 1,8 mét. Việc mài gương trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, giải pháp này cho phép làm gương mỏng hơn, khối lượng gương giảmđi ba lần, nên kết cấu bệ dỡ cũng nhẹ và đơn giản hơn. Công việc nối ghép các mảnh được thực hiện bằng hệ thốngcơ – điện tử với độ chính xác cao.
8 – Nước ép trái cây ngon và bổ dưỡng nhưng bị mất nhiều vitamin, axit amin… Những thứ này bị giữ lại trong chất xơ (xenlulô) khi đi qua các bộ ép cơ học và bị thải theo bã. Để lấy lại được những chất này, người ta nghĩ đến việc “bẽ gẫy” các chuỗi polimer dài liên kết chúng. Người ta đưa thêm vào bã trái cây những chất men, làm bã hòa tan được trong nước. Kết quả, từ cùng một lượng nguyên liệu, các nhà sản xuất thu được thành phẩm nhiều gấp đôi, mà về mặt chất lượng bổ dưỡng, hầu như không thua kém trái cây ban đầu.
9 – Kỹ sư người Úc R. Sarich đưa ra một loại động cơ hai kỳ, hơn hẳn động cơ bốn kỳ về công suất, tính kinh tế và độ sạch của khí thải. Điểm đặc biệt nổi bật của loại động cơ này là hệ thống phun nhiên liệu vào buồng đốt dùng khí nén,có thể thu được các hạt nhiên liệu kích thước nhỏ tới 10 micron, so với 150 – 600 micron trong các động cơ thường.
Hỗn hợp không khí – nhiên liệu loại mới này cháy hiệu quả hơn và các tính năng tốt hơn thấy rõ : động cơ nhẹ hơn hai lần, có kích thước nhỏ hơn, do vậy thêm chỗ trống cho hành khách và hành lý, có 250 chi tiết ít hơn động cơ bốn kỳ và giá sản xuất rẻ hơn.
10 – Phải ngồi vào xe ôtô, đậu lâu dưới ánh nắng mặt trời thật khó chịu vì nóng và sự ngột ngạt. Nhà vật lý người Mỹ Domingo Ten sáng chế phương tiện làm mát không khí trong những trường hợp như vậy. Đó là bình xịt xon khí (aerosol) – dung dịch rượu etylic (C2H5OH) trộn bạc hà. Khi phun hỗn hợp các hạt nhỏ này vào khoang xe nóng tới 50°C, chỉ nửa phút sau, nhiệt độ không khí giảm đi hai lần và tạo ra cảm giác mát mẻ như vừa mưa xong
11 – Công ty “Expendid” của Anh sản xuất loại thùng chống cháy, dựng nhiên liệu. Thùng ngăn thành những lỗ tổ ong, làm từ hợp kim nhôm. Cứ một lít dung tích có đến 4200 ô. Vách của các ô mỏng đến nỗi, chỉ chiếm 1% tổng dung tích của thùng nhiên liệu. Tổ ong có tác dụng dẫn nhiệt nhanh khỏi chỗ bén lửa và làm ngọn lửa di chuyển chậm lại. Xăng cháy còn bị dập tắt bởi các sản phẩm cháy bị các ô giữ lại. Kết quả thử nghiệm cho thấy, thùng xăng ôtô kiểu mới dù bị đục thủng và đốt cháy ở 30 lỗ, bắt lửa yếu ớt
và sau đó tắt hoàn toàn.
CHUYỆN VUI :
Du khách hỏi hướng dẫn viên du lịch : “Nếu tôi lọt hố, rủi gẫy chân, ông đem tôi lên được chứ ?”.
Hướng dẫn viên du lịch :
– Ồ dĩ nhiên. Tôi đã từng vác một con bò bị gãy chân từ hố sâu lên một cách dễ dàng… (ngập ngừng một lát), chỉ có điều tôi phải xả nó ra làm tư cho vừa một lần mang.
TRANH VUI:
“Phân nhỏ” để tăng đàn gà.

Xin chào, Tôi là Kts. Đăng Quang. Sinh ra và lớn lên tại Thành phố Huế. Tốt nghiệp trường ĐH Kiến Trúc thành phố Hồ Chí Minh. Với đam mê và yêu thích kiến trúc nên muốn chia sẻ thật nhiều kiến thức, thông tin về thiết kế cũng như những mẫu nhà đẹp, xu hướng thiết kế mới đến mọi người. Hy vọng của tôi là muốn đem cái đẹp tới gần với đại đa số.